Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và căng thẳng xung đột Nga – Ukraina chưa “hạ nhiệt”, nhưng xuất – nhập khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là xuất khẩu gỗ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, ngành gỗ vẫn gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá gỗ nguyên liệu đang tăng mạnh… Do vậy, cần có những chính sách thúc đẩy phát triển, đảm bảo chủ động về nguồn cung để thúc đẩy xuất khẩu gỗ bền vững.
Những kết quả đạt được
Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã xuất khẩu đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng 3 xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,12 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan (trừ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Canada). Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là xuất khẩu gỗ sang Nhật Bản đạt 396,8 triệu USD, tăng 11,3%; Trung Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 0,7%; Hàn Quốc đạt 248,8 triệu USD, tăng 18,4%… Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,97 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội nghiêm trọng chưa từng có. Trung Quốc là một trong số các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi dịch Covid-19 kéo dài, do đó hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Trung Quốc bị gián đoạn khi thực hiện chiến lược “Zero Covid” nên đây cũng là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ mạnh đồ gỗ. Hằng năm, người tiêu dùng Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 75 tỷ USD cho đồ gỗ. Xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ tăng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng tốt trong năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ, ứng phó hiệu quả trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Đối với thị trường châu Âu, quý I/2022, xuất khẩu gỗ sang thị trường này tăng trưởng lạc quan. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Với vị trí thứ 2 về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại châu Á và có tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 17%/năm, các chuyên gia kinh tế tin tưởng xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Triển vọng và thách thức
Dự báo năm 2022, kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tăng trưởng sau đại dịch Covid-19; sức tiêu thụ hàng hóa tăng, do đó sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực tăng trưởng đối với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, công tác trồng rừng nguyên liệu tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng để cung cấp đủ gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đạt 17 tỷ USD vào năm 2022 và 20 tỷ USD vào năm 2025 thì công tác trồng rừng nguyên liệu còn nhiều hạn chế.. Trong đó, khối lượng gỗ thu hoạch từ rừng trồng còn chưa đáp ứng đủ lượng gỗ nguyên liệu cho chế biến, lượng gỗ nhỏ, gỗ non chiếm tỷ lệ lớn, không thể sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao; lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU còn thấp…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, đơn hàng sang Hoa Kỳ, châu Âu đã kín đến hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV/2022. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng cao nên giá thành sản phẩm rất cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá thành sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện một container sang EU có chi phí khoảng 6.000 – 8.000 USD/container, Hoa Kỳ khoảng 10.000 – 12.000 USD/container. Thậm chí, có những doanh nghiệp phải chi trả đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Hoa Kỳ, dù xuất hàng đi, lợi nhuận của doanh nghiệp gần như bằng không.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các thị trường Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới (Australia, Trung Quốc, EU, Anh và các quốc gia Trung Đông) thì thị trường Trung Quốc đang được các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh. Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất gỗ dăm, nguyên liệu thô, nhưng có thể đến cuối năm 2022, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu đồ gỗ chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Phương còn nhận định, trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) thì xuất khẩu gỗ vào thị trường Anh sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngành gỗ vẫn có lợi ở dòng sản phẩm truyền thống còn thị trường Trung Đông có triển vọng với đồ gỗ cho các công trình thương mại khi ngành du lịch phục hồi. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước, các nhà nhập khẩu, đối tác tại EU và Hoa Kỳ sẽ rất an tâm với đơn hàng sản xuất tại Việt Nam. Nhất là từ khi triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì sản xuất không bị đình trệ dù dịch bệnh có diễn biến xấu do các doanh nghiệp được chủ động trong tổ chức sản xuất và phòng, chống dịch.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ trong năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp cần tập trung cho các đơn hàng có giá trị cao, chọn những đơn hàng có thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam và không ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng về số lượng, mà phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ngành gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương của ngành; triển lãm quốc tế phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với các khách hàng.
Theo TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, trong khi đó các chính sách khuyến khích của Nhà nước còn chưa đủ mạnh để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển. Do đó, thời gian tới, ngành gỗ cần được quan tâm hơn nữa từ phía Chính phủ nhằm tạo sức đẩy để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mặt khác, hiện nay trình độ công nhân ngành gỗ vẫn còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ vẫn còn yếu. Chính vì vậy, Việt Nam cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới.
Nhằm đa dạng các sản phẩm gỗ xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính như: sản phẩm đồ gỗ nội thất (bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá kệ sách; các loại ván sàn); sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế băng; dù che nắng); sản phẩm gỗ ván nhân tạo (ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF); sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền chắc, tiết kiệm gỗ (song mây, tre, trúc; nhựa, kim loại, vải, da); sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế, giường tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, các loại tượng bằng gỗ; sản phẩm lưu niệm, mỹ nghệ trang trí kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác); nhóm sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ… Thông qua những ưu tiên này, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam sẽ có thêm nhiều khách hàng mới, giúp khai thác tối đa lợi thế của thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thêm thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.